Xuất bản thông tin

null Đánh giá mô hình ứng dụng chế phẩm AVG trên cây Cam và Chanh thuộc đề tài KH&CN cấp tỉnh

Tin tức sự kiện TIN HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ

Đánh giá mô hình ứng dụng chế phẩm AVG trên cây Cam và Chanh thuộc đề tài KH&CN cấp tỉnh

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm AVG (Aminoethoxyvinyl glycine) để kéo dài thời gian thu hoạch cho cây có múi (Cam, quýt, chanh) và cây xoài của tỉnh Đồng Tháp” có nội dung xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm AVG nhằm kéo dài thời gian thu hoạch Cam và Chanh. Ngày 29/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã thành lập Tổ chuyên gia tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện mô hình của đề tài.

Các thành viên Tổ chuyên gia đánh giá mô hình gồm có: TS. Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm tổ trưởng; TS. Nguyễn Văn Phong Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, sinh lý sinh hóa và công nghệ sau thu hoạch, Viện Cây ăn quả miền Nam; TS. Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp; ThS. Trần Thanh Tâm, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp; ThS. Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp. Về phía đơn vị chủ trì thực hiện - Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch có TS. Nguyễn Đức Tiến – Phó Viện trưởng; TS. Nguyễn Văn Nguyện - Chủ nhiệm đề tài và một số cán bộ tham gia thực hiện đề tài.

Đoàn công tác kiểm tra mô hình ứng dụng chế phẩm AVG trên cây Chanh

Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã tiến hành quan sát trực tiếp hiện trạng mô hình ứng dụng chế phẩm AVG nhằm kéo dài thời gian thu hoạch Cam và Chanh (02 mô hình thuộc xã Bình Thạnh và xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Kết quả kiểm tra đã cho thấy nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo nghiệm đầy đủ về diện rộng, diện hẹp đối với Cam và Chanh. Đoàn công tác đã thống nhất đánh giá cao kết quả thực hiện mô hình của nhóm đề tài và kết luận mô hình đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về hiệu quả do đề tài đặt ra. Tuy nhiên, Tổ chuyên gia yêu cầu nhóm nghiên cứu cần hoàn thiện về khâu bố trí, tổ chức thực nghiệm và báo cáo của đề tài, cụ thể: phải đánh dấu, làm rõ về cây đối chứng, cây mô hình và chùm trái nào để theo dõi; làm rõ phương pháp thống kê tỷ lệ rụng trái; mô tả lượng mẫu và xử lý số liệu thực nghiệm bằng phần mềm thống kê như SPSS… để tăng tính thuyết phục./.

Tuấn Anh – Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm