Xuất bản thông tin

null Kết quả tham gia đánh giá thử nghiệm Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại tỉnh Đồng Tháp (năm 2022)

Chi tiết bài viết Vấn đề quan tâm

Kết quả tham gia đánh giá thử nghiệm Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại tỉnh Đồng Tháp (năm 2022)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh tại Công văn số 2984/VPUBND-KT ngày 28/9/2022 về việc giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương trong thu thập các dữ liệu, tài liệu minh chứng, triển khai thực hiện các nội dung khác theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan (các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT; Ban Quản lý khu kinh tế Tỉnh; Cục Thuế Tỉnh; Cục Thống kê Tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp) thu thập và cung cấp về Bộ Khoa học và Công nghệ các dữ liệu, tài liệu chứng minh theo các yêu cầu và biểu mẫu của Bộ Khoa học và Công nghệ phục vụ đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại tỉnh Đồng Tháp.

Tại kỳ hợp Ủy ban nhân dân Tỉnh thường kỳ tháng 6 năm 2023“Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2023” vào ngày 30/6/2023, Sở Khoa học và Công nghệ được giao Báo cáo kết quả việc thực hiện đánh giá thử nghiệm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022 như sau:

Theo báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Đồng Tháp đạt 39.85 điểm, xếp hạng 8/20 tỉnh (Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương) tham gia thử nghiệm PII trong năm 2022. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp được chỉ ra những Điểm mạnh và Điểu yếu cụ thể như:

Điểm mạnh:

Bảng xếp hạng chỉ ra 05 điểm mạnh của Đồng Tháp đó là: (i) Số sản phẩm OCOP/ tổng số đơn vị hành chính cấp xã; (ii) Tỉ lệ trường THCS, THPT có đào tạo STEM/STEAM; (iii) Quản trị môi trường; (iv) Số doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp KH&CN/1000 doanh nghiệp; (v) Chi phí gia nhập thị trường.

Trong đó: 4/5 chỉ tiêu nêu trên tỉnh Đồng Tháp xếp hạng 1/20 tỉnh, thành phố tham gia đánh giá; chỉ có chỉ tiêu “Chi phí gia nhập thị trường” xếp hạng 2/20 tỉnh, thành phố tham gia đánh giá.

Điểm yếu:

Bảng xếp hạng cũng chỉ ra 05 điểm yếu của Đồng Tháp như: (i) Số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn KH&CN (xếp thứ 16/20); (ii) Chỉ số sản xuất công nghiệp (xếp thứ 17/20); (iii) Tỷ lệ doanh nghiệp có chứng chỉ ISO (xếp thứ 17/20); (iv) Số doanh nghiệp mới thành lập/10.000 dân (xếp thứ 17/20); (v) Chi khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước/tổng chi NSNN địa phương (xếp 17/20).

Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (viết tắt là PII) được xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương. Qua kết quả đạt được, trong thời gian tới địa phương cần tập trung khắc phục 05 điểm yếu được chỉ ra tại báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Công văn số 736/UBND-KT ngày 26/6/2023 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc phối hợp triển khai Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên địa bàn Tỉnh từ năm 2023.

Huỳnh Thị Kim Phượng, phòng QLCN&CN